Hotline: 0971 645 789
Sitemap  |   Liên kết MXHVăn phòng luật sư gia đình Youtube Luật sư Đồng Nai Tiktok Fanpage luật hoàng ngọc

CHIA DI SẢN KHI CÓ NGƯỜI THỪA KẾ Ở NƯỚC NGOÀI

CHIA DI SẢN KHI CÓ NGƯỜI THỪA KẾ Ở NƯỚC NGOÀI

Câu hỏi: Xin hỏi luật sư về việc bán nhà tại Việt Nam đã có sồ đỏ (trước năm 1991) để chia tài sản thừa kế cho anh chị em trong nhà, có liên hệ người nước ngoài. Ba tôi qua đời năm 1980 không có làm di chúc. Mẹ tôi qua đời năm 1992 có làm di chúc để lại nhà và đất cho 6 người con. Tài sản trên là tài sản riêng của mẹ tôi. Bây giờ anh chị em tôi muốn bán nhà đất để chia tài sản. Tổng cộng 6 anh chị em gồm có 4 người ở nước ngoài và 2 người ở Việt Nam và muốn anh trai ở Việt Nam đại diện tiến hành các giấy tờ, thủ tục để bán nhà đất. Xin hỏi luật sư hồ sơ phải làm thế nào để có thể bán nhà và chia tài sản thừa kế.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi cho Công ty Luật TNHH Hoàng Ngọc và Cộng Sự chúng tôi.

Theo như thông tin bạn trình bày thì tài sản trên là tài sản riêng của mẹ bạn và bà mất có để lại di chúc, chúng tôi tư vấn như sau:

Trước hết, 6 anh chị em bạn cần làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo di chúc vì mẹ bạn mất có để lại di chúc. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

“Điều 630. Di chúc hợp pháp

1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

…”

Theo đó, nếu di chúc của mẹ bạn đáp ứng các điều kiện nêu trên thì được coi là hợp pháp.

Bên canh đó, theo khoản 1 Điều 169 Luật Đất đai 2013 quy định về người nhận quyền sử dụng đất:

“Điều 169. Nhận quyền sử dụng đất

1. Người nhận quyền sử dụng đất được quy định như sau:

d) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được nhận chuyển quyền sử dụng đất thông qua nhận thừa kế quyền sử dụng đất;

đ) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở;

…”

Đối chiếu với quy định nêu trên, dù 4 anh chị em ở nước ngoài là người Việt Nam ở nước ngoài hay người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì vẫn thuộc đối tượng được nhận quyền sử dụng đất, nếu là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải thuộc diện được sở hữu và công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định tại Điều 7 và Điều 8 Luật Nhà ở 2014:

“Điều 7. Đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam

1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước.

2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 159 của Luật này.”

“Điều 8. Điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở

1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam; đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì phải có đủ điều kiện quy định tại Điều 160 của Luật này.

2. Có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức sau đây:

a)  Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước thì thông qua hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;

b) Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản); mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật;

…”

Theo thông tin bạn cung cấp, các anh chị em muốn anh trai ở Việt Nam thay mặt thực hiện các thủ tục bán nhà để phân chia di sản. Trong trường hợp này, 5 anh chị em còn lại có thể lập hợp đồng ủy quyền cho anh trai ở Việt Nam đứng ra đại diện làm các thủ tục, giấy tờ. Đối với 4 người ở nước ngoài, có thể công chứng hợp đồng ủy quyền tại cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để hợp đồng ủy quyền có giá trị pháp lý. Sau đó, chuyển về Việt Nam để anh trai ở Việt Nam đến tổ chức hành nghề công chứng nơi có di sản thừa kế công chứng tiếp vào hợp đồng ủy quyền gốc. Khi đó, anh trai ở Việt Nam có thể một mình thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế, đăng ký biến động đất đai và làm thủ tục chuyển nhượng mà không cần phải có chữ ký của tất cả những người đồng thừa kế. Trường hợp này, anh trai ở Việt Nam chỉ là người đại diện cho những người đồng thừa kế, đứng ra làm các thủ tục bán nhà chứ không phải là người thừa kế duy nhất.

Trên đây là một số nội dung tư vấn liên quan đến "CHIA DI SẢN KHI CÓ NGƯỜI THỪA KẾ Ở NƯỚC NGOÀI". Nếu bạn đang cần luật sư tư vẫn, hỗ trợ về mặt pháp lý thì hãy liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại 0971 645 789 (Zalo) - 0911 629 679.

CÔNG TY LUẬT TNHH HOÀNG NGỌC & CỘNG SỰ

Địa chỉ: 5/1 đường Nguyễn Du, KP. 4, P. Quang Vinh, TP. Biên Hòa, Đồng Nai

(Đối diện Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa)

VPGD: 349 Bùi Trọng Nghĩa, KP. 3, P. Trảng Dài, TP. Biên Hòa, Đồng Nai

Hotline: 0971 645 789 - 0911 629 679

Email: luatsuhoangngoc@gmail.com

Địa chỉ tại Tp. HCM: 402A Nguyễn Văn Luông, P. 12, Q. 6, Tp. HCM

Hotline tư vấn miễn phí: 0971 645 789
Zalo
Gọi điện
SMS
Chỉ đường