Hotline: 0971 645 789
Sitemap  |   Liên kết MXHVăn phòng luật sư gia đình Youtube Luật sư Đồng Nai Tiktok Fanpage luật hoàng ngọc

1 NĂM CÓ 21 NGƯỜI BỊ KHỞI TỐ, TRUY TỐ OAN

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội mới đây đã có báo cáo thẩm tra báo cáo công tác của các cơ quan tư pháp năm 2020.

“Công tác điều tra còn một số hạn chế”

Qua nghiên cứu các báo cáo của Chính phủ và VKSND Tối cao, Ủy ban Tư pháp đánh giá “công tác điều tra vẫn còn một số hạn chế”.

Đáng chú ý, cơ quan điều tra (CQĐT) một số địa phương tiếp nhận, xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố còn chưa đúng quy định. VKSND các cấp đã phát hiện nhiều vi phạm và yêu cầu CQĐT khởi tố 791 vụ án, tăng 63 vụ; trực tiếp khởi tố và yêu cầu điều tra 22 vụ, yêu cầu CQĐT hủy 30 quyết định khởi tố vụ án; hủy 72 quyết định không khởi tố vụ án; hủy 62 quyết định khởi tố vụ án…

Ủy ban Tư pháp cho rằng việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam còn nhiều vi phạm, dẫn đến số trường hợp VKSND các cấp không phê chuẩn tăng mạnh so với năm 2019. Cụ thể, VKSND không phê chuẩn 136 trường hợp bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, tăng 22,5%; 242 lệnh tạm giam; 153 lệnh bắt bị can để tạm giam; hủy 716 quyết định tạm giữ, tăng 10,15%... Ngoài ra, số người bị tạm giữ hình sự sau phải trả tự do, không xử lý hình sự giảm so với năm 2019 nhưng vẫn còn 432 người.

Ủy ban Tư pháp đánh giá chất lượng hoạt động điều tra còn một số hạn chế trong thu thập, đánh giá chứng cứ. Do đó, số trường hợp VKSND yêu cầu điều tra, yêu cầu thay đổi, bổ sung các quyết định tố tụng và được CQĐT chấp nhận đều tăng nhiều so với năm 2019…

“Đề nghị Chính phủ yêu cầu Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chỉ đạo CQĐT các cấp cần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác điều tra và rà soát các vụ án để ban hành các quyết định tố tụng đúng quy định của pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm, tránh làm oan người vô tội” - báo cáo thẩm tra nêu.

Đặc biệt, theo Ủy ban Tư pháp, năm 2020 số bị can bị khởi tố oan giảm so với năm 2019 nhưng vẫn còn 18 trường hợp. Đây là trường hợp các bị can được đình chỉ điều tra do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm và hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.

60 trường hợp bị oan liên quan trách nhiệm của VKS

Thẩm tra báo cáo của viện trưởng VKSND Tối cao, Ủy ban Tư pháp đánh giá công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của VKSND các cấp trong năm 2020 “tiếp tục được tăng cường và đạt nhiều kết quả tích cực”.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng công tác này cũng còn một số hạn chế. Cụ thể, còn hơn 470 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố quá hạn giải quyết, tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm.

“Đáng lưu ý, để xảy ra 60 trường hợp bị oan liên quan đến trách nhiệm của VKS” - cơ quan thẩm tra chỉ rõ. Cụ thể, có 38 trường hợp VKS phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và gia hạn tạm giữ, sau đó phải trả tự do; 22 bị can được CQĐT và VKS đình chỉ do không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn điều tra không chứng minh được hành vi phạm tội.

Cạnh đó, việc xét phê chuẩn áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong một số trường hợp chưa chặt chẽ; trong đó có những trường hợp đáng phải áp dụng biện pháp tạm giam nhưng không tạm giam hoặc có những trường hợp hủy bỏ biện pháp tạm giam đang áp dụng, sau đó bị can bỏ trốn, phải ra lệnh truy nã.

Ngoài ra, số vụ án bị tạm đình chỉ điều tra vẫn còn nhiều và tăng so với năm 2019; số vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ bị tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung giảm không đáng kể…

Liên quan đến công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, Ủy ban Tư pháp cho rằng năm 2020, VKSND các cấp tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử.

“Trách nhiệm công tố của kiểm sát viên tại các phiên tòa được tăng cường. Số vụ án VKS rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa giảm mạnh” - báo cáo thẩm tra nêu.

Đáng chú ý, số bị can bị VKS truy tố mà tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội giảm ba trường hợp so với năm 2019 (năm 2019 có sáu trường hợp bị truy tố oan). Tuy nhiên, trong năm vẫn còn ba trường hợp VKS truy tố oan dẫn đến tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội.

Ngoài ra, có ba trường hợp VKS phải rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa; 95 trường hợp truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt dẫn đến tòa án phải xét xử về khoản khác trong cùng điều luật hoặc tội danh khác (bằng, nhẹ hơn hoặc nặng hơn tội danh VKS đã truy tố)…

Năm 2020: 23 phạm nhân bỏ trốn

Đánh giá về công tác thi hành án hình sự , báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho rằng năm 2020 số người bị kết án phạt tù và số người chấp hành án tại các cơ sở giam giữ tăng mạnh so với năm 2019.

“Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường các biện pháp quản lý giam giữ, đồng thời thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19” - báo cáo nhận định. Cụ thể, các trại giam không để xảy ra tình trạng phạm nhân tập trung gây rối, chống đối tập thể; số phạm nhân phạm tội mới, trốn khỏi cơ sở giam giữ, vi phạm nội quy đều giảm so với năm 2019. Tỉ lệ phạm nhân được xếp loại cải tạo khá tăng hơn so với năm 2019. Các chế độ đối với phạm nhân nữ có con nhỏ được các trại giam bảo đảm đúng quy định pháp luật.

“Công tác lập hồ sơ, đề nghị tòa án xem xét, xét giảm thời hạn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án cho phạm nhân được các trại giam, cơ quan thi hành án hình sự thực hiện đúng quy định pháp luật” - báo cáo thẩm tra nêu.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Tư pháp, tình trạng phạm nhân bỏ trốn khỏi cơ sở giam giữ vẫn chưa được ngăn chặn triệt để, còn xảy ra 23 trường hợp, trong đó có vụ phạm nhân Triệu Quân Sự trốn khỏi trại giam của Bộ Quốc phòng phạm tội mới, gây hoang mang dư luận. 

Nguồn: Báo Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh.

Hotline tư vấn miễn phí: 0971 645 789
Zalo
Gọi điện
SMS
Chỉ đường